MỘT THỜI VÀ MÃI MÃI
Trong buổi chiều muộn, ánh mặt trời nhuốm hồng khắp cỏ cây, tôi nhẹ nhàng
thả từng bước chân trên sân trường ngày xưa. Bao kí ức sống dậy, dìu những năm
tháng học trò trở về nguyên vẹn. Đến bên cánh cửa của lớp học ngày ấy, tình cờ
tôi đã bắt gặp những vần thơ quen thuộc, những vần thơ tha thiết và chan chứa
những nỗi niềm. Tôi đã khóc và cố không để bật thành từng tiếng nấc, cố ghìm
những bước chân của mình ngăn không để nó chạy ùa vào phòng. Cô Lan vẫn ở đó,
vẫn miệt mài rót mật cho đời, như bóng cây cổ thụ tỏa bóng che chở cho những
đứa con yêu. Nhìn đàn em tròn xoe mắt nghe cô giáo giảng bài, mà ngỡ như mình
được sống lại những giây phút xưa kia. Những tia nắng len qua cửa sổ hay đó
chính là những hy vọng đẹp của cuộc đời mà cô đang truyền vào tâm thức của
chúng con.
Hơn 10 năm rồi cô ơi ! Ngày mà con
được học tiết Văn với bài học “Người thầy đầu tiên”. Qua bài giảng con được lắng
nghe âm thanh huyền ảo của gió, lá, màu sắc, ánh sáng, chất chứa bao kỉ niệm và
tình người trong đó. Cho con cả tâm hồn, trí tuệ như đang cùng cách cánh với bao vẻ đẹp rộng
dài, khát khao bao điều kì diệu thiêng liêng. Giờ đây những âm thanh quen thuộc ấy
đã đánh thức con nhớ về biết bao kỉ niệm êm đềm, thân thương một thời còn non
dại của cậu học trò THCS .
Hình ảnh và bài giảng
của cô lúc nào cũng ngự trị trong tâm hồn, trái tim của con, cô đã cho con biết thế nào là nỗi
nhớ, tình yêu quê hương sâu nặng, ân tình. Con vẫn nhớ như in câu hỏi của cô
năm nào “Sau này các con có ước mơ làm người thầy giáo không ?”. Con nhìn quanh
thấy vài bạn hồ hởi đưa tay, lúc ấy con cũng chẳng suy nghĩ được nhiều, chỉ
biết đưa tay để khiến cô phần nào được hạnh phúc. Nhưng con không ngờ hành động
ấy lại thôi thúc con khi bước vào đời. Con xây đắp cho ước mơ, tương lai ấy như
một lời hứa luôn tồn tại trong cuộc sống của con, giờ đây con đã trở thành một
thầy giáo dạy văn, nghĩa là con đã nguyện bước tiếp con đường mà cô đã chọn,
nghĩa là con đã giữ trọn lời hứa năm xưa phải không cô ?
Tôi lặng người ngoài cửa sổ mà nghe
lời giảng của cô hòa trong gió chiều, vẫn trái tim và tấm lòng bao dung ấy đang
thắp lửa ước mơ cho bao thế hệ học trò.
Nhưng không hiểu sao, tim tôi như quặn thắt khi nhìn thấy cô đã gầy yếu hơn
ngày xưa, mái tóc đã bạc trắng rồi. Thời gian đã cuốn đi tuổi thanh xuân của cô
năm nào, những giọt nước mắt tôi cố nuốt vào trong để khỏi làm ồn cho bài giảng
của cô, nhưng giờ lại vỡ òa, khóc như đứa con lâu ngày vừa tìm thấy mẹ. Tôi đến
bên cô và lo sợ cô sẽ không nhận ra đứa học trò ngày xưa được cô che chở, nhưng
kì diệu thay cô đã dang rộng đôi tay gầy ôm lấy đứa con xa trở về...
- “Cọt” đó phải không con ? – đó là cái tên
thân mật mà cô thường gọi tôi –
- Vâng ! Con đây thưa cô !
Thời gian đã khá lâu, giờ tôi mới
được gặp cô, biết bao câu chuyện, biết bao kỉ niệm trở về không thể nào nói
hết. Chỉ biết nổi nhớ về cô ngày một đong đầy, tôi nhìn cô mà thấy thương vô
cùng. Căn phòng như yên ắng hơn, hầu như chỉ nghe thấy tiếng gió thổi qua khe
cửa nhỏ. Trống đã điểm tan trường, ấy vậy mà cả lớp học như lặng im hòa vào
niềm xúc động của hai cô trò trong niềm hạnh phúc khó tả. Tôi thầm nghĩ không biết trong chuyến đò này
mà cô đưa sang sông, có cô cậu nào lại tiếp tục quay về bến đậu cũ để chèo lái
con thuyền ấy thay cô hay không ? Cô ra hiệu cho chúng được nghĩ, lập tức chúng
ùa ra sân trường như đàn chim vừa rời khỏi tổ, tựa hồ như chúng tôi ngày xưa
vậy.
Cô Lan không chỉ là giáo viên dạy bộ
môn văn nhiệt tình, tâm huyết, cô còn là người mẹ hiền thứ hai của đời tôi. Cô
rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh nghèo khó của tôi, một gia đình nông dân
quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những lúc ngồi tâm sự
với cô về tuổi thơ của mình, cô thường ôm tôi vào lòng an ủi động viên và lau
những giọt nước mắt lăn vội trên khóe mi của tôi. Những lúc như thế tôi cảm
thấy hạnh phúc vô cùng như có một lá chắn nào đó đang che chở cho tôi, làm điểm
tựa cho tôi vững bước trên đường đời.
Cô dắt tay tôi dạo bước trên nền cỏ xanh
của sân trường dưới trời chiều khi ánh hoàng hôn đang nhuốm đỏ một góc trời. Cô
chỉ tay vào khoảng đất trống và nói:
- Con còn nhớ ở đó là những luống
khoai lang mà các thầy cô trồng để cải thiện thêm cuộc sống không ?
- Thưa cô ! Con nhớ như in khi chúng
con giúp cô trồng những luống rau ấy, cô đã hướng dẫn cho chúng con trồng sao
cho đúng cách.
- Phải rồi, những năm đó cuộc sống
còn vất vả quá !
Tôi nhìn ánh mắt cô như có thoáng nét
buồn, phải chăng là vì những tháng năm xưa gợi về, hay vì một điều gì đó mà tôi
không thể nhận ra. Cô dắt tôi bước ra khỏi cổng trường, nhưng tôi cố ngoái nhìn
lại thu tất cả vào tầm mắt, bởi ngày mai đây, ngôi trường thân thuộc này lại
chính là nơi tôi sẽ về công tác, tôi lại tiếp tục cầm mái chèo để thay cô đưa
khách sang sông. Tôi mãi nghĩ ngợi và cuốn theo những dòng suy tư của một thời,
mà dường như quên đi thời khắc hiện tại. Tôi nhớ rắng đường về nhà cô đâu phải
lối này, có lẽ cô hiểu được những băn khoăn ấy của tôi.
- Cô đã chuyển nhà rồi, từ khi ngôi trường
này được xây mới, hơn nữa cuộc sống cũng có khá nhiều sự đổi thay.
Không biết sự đổi thay ấy là gì mà
trong mắt cô như nhạt nhòa bởi nước mắt đông đầy, chắc rằng cô đã giấu đi một
nỗi niềm thật sâu kín, một nỗi niềm mà thật khó có người sẽ chia. Cô đưa tôi về
nhà, nơi cô đang sống chỉ cách trường khoảng vài trăm mét, một ngôi nhà nhỏ nằm
thấp thoáng dưới bóng tre làng. Chỉ vài phút nữa thôi tôi lại được gặp thầy
Phong, chồng của cô giáo, tuy thầy không dạy tôi, nhưng là người luôn hiểu lòng
con trẻ.
Bước qua cánh cổng bằng gỗ đã nhuốm
màu rêu phong, tôi theo cô vào căn nhà nhỏ. Trời ơi ! Sao có thể lại là như vậy
? Bao nhiêu nỗi buồn đau, mất mát mà cô cố giấu giờ tôi mới hiểu. Tôi như chết lặng,
đứng chôn chân mà nhìn lên bức ảnh nhỏ trên bàn thờ, vẫn là ánh mắt, nụ cười
hiền từ, bao dung mà chúng tôi được nhận cách đây hơn mười năm mỗi khi đến thăm
cô. Còn đâu nữa những phút giây thầy dùng sào để hái cho chúng tôi những quả ổi
chín thơm lừng ở vườn sau, còn đâu nữa khi thầy ban phát cho tất cả chúng tôi
những quả khế chín mọng. Thế là cô đã mất đi người mà cô yêu quý, mất đi điểm
tựa mỗi khi trở về nhà sau những tiết dạy nhọc nhằn. Có lẽ vì thế mà cô đã tiều
tụy đi thật nhiều, ánh mắt như sâu vời vợi chất chứa bao nỗi niềm. Một lần nữa
cô đã cho con nghị lực phi thường, con thương cô nhiều lắm, con không biết làm
gì để phần nào san sẽ bớt nỗi buồn sâu thẳm ấy ! Rồi ngày mai khi cô đã nghĩ
hưu chắc rằng cô sẽ buồn lắm, bởi cô chỉ vò võ một mình đối diện với thời gian
trôi, đối diện với bao mất mát của cuộc đời.
Cô ơi ! Giờ đây chúng con đã khôn lớn
và sải cánh bay trên mọi néo đường, nhưng những kỉ niệm của tuổi học trò, về cô
sẽ không thể nào quên được. Ngôi trường nơi cô đã từng gắn bó một đời, sẽ là
nơi con kế thừa sự nghiệp của cô, giảng bài về những vần thơ, đạo lí sống cho
học trò. Trong mỗi bài giảng ấy luôn thấp thoáng bóng hình của cô và con sẽ gọi
mãi người mẹ hiền thứ hai trong cuộc đời của con.
Giáo viên: Lê Xuân Sửu - Trường THCS Tân
Thủy