Mẹ! Tiếng gọi ấy thật thiêng liêng, gần gũi. Ngay từ khi cất tiếng khóc
chào đời, mẹ đã rơi nước mắt vì chúng ta, những giọt nước mắt hạnh phúc sau
chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Mẹ là người đã ôm ta vào lòng mỗi khi ta
vấp ngã trên đường đời, luôn dang rộng vòng tay khi ta cần che chở. Viết về mẹ
nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng thổn thức: “Những ngôi sao thức ngoài
kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn
gió của con suốt đời”. Cũng từ lòng biết ơn ấy, Xuân Quỳnh đã viết: “Phải đâu
mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”.
Để nhớ đến công lao to lớn ấy của
những người mẹ - người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi người, Trong buổi tuyên
truyền giới thiệu sách ngày hôm nay xin được trân trọng gửi tới các thầy cô giáo cùng toàn
thể các bạn học sinh cuốn sách có tựa đề “Xin đừng làm mẹ khóc”.
Cuốn sách do công ty First News-Trí Việt tuyển chọn và giới thiệu, Nhà
xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2019. Cuốn sách tuyển
chọn những câu chuyện hay nhất trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn”, với 207
trang, khổ 14,5cm x 20,5cm. Nổi bật trên bìa sách là dòng chữ màu đỏ trên nền
trắng tinh khiết, bên dưới là hình ảnh hai mẹ con đang thân mật bên nhau như
muốn nói với tất cả chúng ta rằng: “Cuộc sống thực sự hạnh phúc, tròn đầy, viên
mãn khi ta có mẹ ở bên!” Cuốn sách em đang cầm trên tay được mang số đăng ký cá
biệt, số 4262, thuộc kho sách tham khảo của thư viện nhà trường.
Cuốn sách "Xin đừng làm mẹ khóc" gồm những câu chuyện giản dị mà đầy ý nghĩa về tình mẹ con thiêng liêng, cao
quý. Bằng lối viết giản dị, trong
sáng, giàu cảm xúc, cuốn sách dần đưa
người đọc trở về với những kí ức bên mẹ, về những lầm lỗi, những suy tư trăn trở về mẹ, và về tất cả những gì mẹ đã hi sinh cho chúng ta. Ngay từ những trang viết đầu tiên, câu chuyện "Quà tặng của mẹ" đã khiến bao trái tim người
đọc cảm động đến rơi nước mắt:
"Con tôi đâu?" -Người mẹ trẻ hỏi trong nỗi vui mừng sau một cuộc vượt cạn mệt nhọc. Với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa trẻ từ tay vị bác sĩ. Thế nhưng nụ cười bỗng tắt lịm trên đôi môi khi chị nhìn thấy đôi tai của con mình không giống như những đứa trẻ bình thường khác... ” Vâng, một đứa trẻ khuyết tật luôn phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Chúng bị người đời ghẻ lạnh, xa lánh, hắt hủi. Nỗi đau này như những nhát dao cứa vào trái tim người mẹ. Ôm chặt con vào lòng, người
mẹ như ôm trọn cả nỗi đau trong trái tim mình. Nhưng các thầy cô và các bạn có
biết không, với tình yêu bao la không gì so sánh được, người mẹ trong câu chuyện đã làm gì để bù đắp cho đứa con thân yêu của mình? Người mẹ đã làm gì mà một đứa con khuyết tật bỗng
chốc trở thành một con người có vẻ ngoài không hoàn hảo giống như bao người bình thường khác? Các bạn hãy tìm đọc từ trang 10 đến trang 13, chúng ta sẽ thấy tình yêu
của mẹ dành cho con có thể làm nên
những phép màu kì diệu như thế nào
nhé!
Mẹ chính là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Mặc dù
đôi lúc sự nghiêm khắc của mẹ đã làm ta khó chịu, thấy bí bách, mất tự do.
Nhưng câu chuyện “Một người mẹ kì lạ” đã khiến ta bừng tỉnh, nghĩ khác đi
và trân quý, yêu thương mẹ nhiều hơn. "Tôi có một người mẹ kì lạ nhất trên
đời -người đã đặt ra những rào cản luật lệ để giữ chúng tôi khỏi lối sống tự do
bay nhảy. Trong khi những đứa trẻ khác được ăn bánh kẹo thay cho bữa sáng thì
chúng tôi phải ăn cháo ngũ cốc, hoặc trứng và bánh mì kèm ly sữa do chính tay
mẹ pha. Mẹ khăng khăng muốn biết chúng tôi đang ở đâu mọi lúc, mọi nơi...Chúng
tôi bị buộc phải rửa chén, dọn giường, học cách nấu ăn quét nhà, giặt giũ cùng
đủ thứ công việc khác trong gia đình. Mẹ luôn buộc chúng tôi phải nói toàn bộ
sự thật và không được nói gì trừ sự thật... Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn
không thể phủ nhận được rằng chính vì thế mà không ai trong số các con của mẹ
bị nhà trường mời gia đình đến để chê trách vì hạnh kiểm xấu, và cũng không đứa
nào bị hàng xóm phàn nàn vì những trò đùa quá quắt. Bây giờ mọi người đều rất
tôn trọng chúng tôi vì chúng tôi là những người ngay thẳng, có giáo dục và luôn
thành thật”. Một người mẹ thương con nhưng không nuông chiều con, không thỏa
mãn mọi ý muốn của con, nghiêm khắc dạy bảo con nên người, trở thành một người
tốt và được xã hội kính trọng. Đó là người mẹ bình dị mà vĩ đại vô cùng.
Mẹ luôn nhận về mình những khó khăn vất vả, lo toan, hạnh phúc của mẹ
thật giản đơn, bình dị: "Bao mệt mỏi lo toan đều biến mất khi đôi cánh tay
bé bỏng của con ôm choàng qua cổ tôi và nói: "Mẹ, không ai trên đời này
yêu mẹ bằng con đâu!". Chỉ một hành động nho nhỏ, một lời nói yêu thương
của đứa con bé bỏng làm trái tim người mẹ ngập tràn hạnh phúc. Nước mắt chợt
trào ra trên khóe mắt. Cuốn sách không chỉ cho ta thấy đức hi sinh của mẹ mà cả
sự biết ơn, hiếu thảo, chân thành trong tình cảm của con dành cho mẹ cũng khiến
ta bồi hồi, xúc động. Đọc “Đừng làm mẹ khóc” ta lại nhớ những câu thơ
của Thanh Nguyên: “Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời - Đất/ Như cuộc đời
không thể thiếu trong con/ Nếu có đi vòng quả đất tròn/ Người mong con mỏi mòn
chắc không ai ngoài mẹ/ Cái vòng tay mở ra từ tấm bé/ Cứ rộng dần theo con trẻ
lớn lên/ Mẹ là người đã cho con cái tên/ Trước cả khi con bật lên tiếng “Mẹ””.
Mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho con về mọi mặt, là nguồn động
viên, là chỗ dựa diệu kì để con thực hiện ước mơ, hoài bão cuộc đời của mình.
Thế nhưng cuộc sống không tránh khỏi có những lúc ta làm mẹ buồn, thậm chí mẹ
đã khóc rất nhiều vì chúng ta. Câu chuyện “Đôi tay mẹ” giúp ta tìm
thấy câu chuyện của riêng mình trong đó. “Người con gái chỉ vì chút
tự ái bướng bỉnh của tuổi mới lớn mà bỏ nhà ra đi. Nhiều năm sau, khi người con
quay trở về, cô đã phải chứng kiến cảnh trớ trêu như thế nào để rồi trong suốt
cuộc đời còn lại cô không không bao giờ có thể tha thứ cho chính bản thân
mình…”. Bạn, tôi và tất cả chúng ta hãy đọc “Đừng làm mẹ khóc” để
không phải tiếc nuối vì những điều như thế nhé!
“Xin đừng làm mẹ khóc” đã chạm đến trái tim của người đọc bằng những mẩu chuyện gần gũi,
qua những câu chữ dung dị mà nhẹ nhàng, cứ lặng lẽ đặt vào tâm khảm của những
người con trên thế gian này bằng chính những phút giây ân hận vì đã làm mẹ bật
khóc. Với 207 trang cùng hơn 60 câu chuyện, cuốn sách "Xin đừng
làm mẹ khóc" như một sự tri ân tới tất cả những người mẹ. Thông qua
cuốn sách, chúng ta thêm yêu quý, tự hào về mẹ, thêm một lần ta suy ngẫm về
công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, người luôn dõi theo ta từng nhịp bước
chân đi trong suốt những năm tháng của cuộc đời.
Cuốn
sách "
Xin đừng làm mẹ khóc" là những câu chuyện giản dị mà đầy ý nghĩa, sâu sắc về
người mẹ, về tình mẹ con
- một tìnhyêu thương vô điều kiện và không gì có thể sánh bằng. Trong những
trang sách này, bạn sẽ tìm lại
được và nhận ra những phút giây đồng cảm trong tình yêu thương, cảm xúc về Mẹ, tìm về ký
ức tuổi thơ thân thương
gắn bó bên Mẹ, và cả những suy tư trăn trở về Mẹ, về lỗi lầm, về tất cả những gì mẹ
đã hi sinh cho chúng
ta…
Cuộc sống vẫn xoay vần, con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất, nhưng
tình mẫu tử luôn thiêng liêng, bất diệt. Đọc xong cuốn sách sẽ có những giọt
nước mắt rơi vì xúc động. Ai cũng tìm thấy cho mình những điều ý nghĩa từ cuốn
sách "Xin đừng làm mẹ khóc". Những người làm cha làm mẹ có thể học
được cách giáo dục con, thương con như thế nào cho đúng, và mỗi người con chúng
ta đều biết phải làm gì để mẹ không phải đau lòng. Nếu bạn tâm đắc với câu
ca“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không” thì
hãy tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này nhé!
Tân
Thủy, ngày 7 tháng 3 năm 2024