Tình mẫu tử là tình yêu người
mẹ dành cho đứa con của mình, kể từ khi đứa con ấy chưa tượng hình đến lúc mẹ
nhắm mắt xuôi tay. Tình cảm ấy là vô điều kiện, chẳng có người mẹ nào lúc chăm
con lại nghĩ về việc sau này mình được báo hiếu như thế nào, chỉ cần con lớn
lên khỏe mạnh là đủ.
Khi còn trẻ các cô gái có thể đôi lúc yếu
đuối, nũng nịu hay thậm chí choảnh chọe. Nhưng khi đã là mẹ thì tình mẫu tử sẽ
cho các cô sức mạnh để cứng rắn, kiên cường vì con mà đứng ra nơi đầu sóng ngọn
gió, bởi con là tất cả. Có thể nói, tình mẫu tử không phải thứ tình cảm giản
đơn, mềm yếu mà là sức mạnh, là phép nhiệm màu của loài người.

Tình mẫu tử đến với những phụ nữ một cách tự
nhiên. Giây phút họ biết rằng mình đang mang trong người một sinh linh bé nhỏ
thì trong tim họ tự dưng sẽ nảy sinh cảm giác yêu thương và bảo vệ sinh linh
ấy. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như cơm ăn áo mặc hằng ngày
nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn.
Khi con còn bé thơ, chập
chững tập đi tập nói, thì mẹ sẽ đứng ra chở che cho con, cản những sóng gió
cuộc đời, tặng con một tuổi thơ yên bình, ấm áp. Rồi khi con lớn lên từng bước
vào đời, mẹ vẫn luôn ở phía sau âm thầm dõi theo con và dẫu con có đi xa đến
đâu, chỉ cần quay đầu lại, mẹ
vẫn luôn ở đó vì mẹ là nhà,
là yêu thương.

Tình mẫu tử còn đồng nghĩa với tình bao dung
vô hạn. Dù con có phạm sai lầm điều gì đi nữa, dù cả thế giới có quay lưng với
con thì mẹ vẫn sẵn sàng ôm con vào lòng, tha thứ cho con tất cả. Chúng ta có
thể thấy hình ảnh những người mẹ tóc bạc phơ, tấm lưng còng xuống vẫn cần mẫn
tay xách nách mang các thứ vào trại giam thăm những đứa con lầm lỡ.

Tình mẫu tử còn là sự hy sinh. Chúng ta có thể
thấy những tấm gương vượt khó, những học sinh vùng nông thôn nghèo đỗ thủ khoa,
á khoa các trường đại học, nhưng mấy ai thấy rằng phía sau đó là những người mẹ
chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu từng đồng để
nuôi con ăn học.
Còn có bao nhiêu người phụ nữ
ngoài kia, vốn có thể hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, sung túc nhưng vẫn lao
vào lam lũ kiếm tiền để cho con có một tương lai tốt đẹp hơn. Sự hy sinh của mẹ
chẳng ai có thể diễn tả hết bằng lời, như một nhà thơ đã viết:
Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá/Sao đong đầy hai tiếng: Mẹ ơi.
Tình mẫu tử không chỉ nuôi đứa trẻ lớn khôn
và còn có giúp người phụ nữ trưởng thành hơn, dạy họ biết sống vị tha, vị kỷ,
biết dẹp bỏ những yêu thích của mình để dành tất cả cho con, dạy họ sống điềm
tĩnh, sống mạnh mẽ để làm gương, làm lá chắn cho suốt cuộc đời đứa con bé bỏng.
Mẹ yêu con nhiều là thế, nhưng đâu phải lúc
nào cũng hiểu lòng mẹ, cũng biết thương mẹ như thương con. Như đứa con trong
bức ảnh kia, tuổi trẻ sức dài vai rộng vậy mà để mẹ mình lội nước giữa cơn mưa
tầm tã.
Trên đời còn nhiều người còn
không tốt hơn thế nữa. Họ hỗn hào, họ vô ơn với bậc sinh thành. Chỉ cần một lời
mẹ lớn tiếng cũng đủ khiến họ giận dỗi bỏ đi, làm người mẹ ở nhà lo lắng khôn
nguôi.
Nhưng bất hiếu với mẹ nhất là
khi mẹ đã hy sinh tất cả, cố gắng mỗi ngày để lo cho ta mà ta lại chây lười,
lại không chịu học hành, làm việc, chỉ biết ăn bám mẹ mà thôi. Những người như
thế thật đáng trách biết bao.
Còn có những người mặc kệ công sinh thành
dưỡng dục của mẹ, chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà trách mẹ không lo được cho mình.
“Con không chê cha mẹ khó,
chó không chê chủ nghèo”, những người trách mẹ như thế, không hề xứng đáng với
tình cảm đấng sinh thành dành cho họ.
Bản thân tôi cũng có lúc giận dỗi mẹ. Nhưng
khi khôn lớn hơn một chút, tôi đã hiểu mẹ đã hy sinh cho mình nhiều đến chừng
nào. Vì thế, mỗi ngày tôi luôn cố gắng học tập, phụ giúp mẹ thật nhiều. Có thể
tôi không cho được mẹ sung sướng nhưng tôi chắc chắn có thể cho mẹ hạnh phúc
mỗi ngày.
Có thể mẹ không cho được con điều tốt nhất
trên thế giới nhưng mẹ sẽ cho con điều tốt nhất mà mẹ có. Tình mẹ vĩ đại như
thế, cho nên tôi hy vọng rằng bất kỳ người nào cũng sẽ nhận được niềm vui, hạnh
phúc và sự yêu thương tương xứng từ những đứa con của họ.
Và: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?”.