THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 30
Số lượt truy cập: 5082737
QUẢNG CÁO
DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CHI BỘ MỸ TRUNG (17/11/1931 - 17/11/2021) 11/12/2021 8:28:03 AM
Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không cam chịu thân phận nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh, các phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng đều thất bại.

Giữa bối cảnh tối tăm đó, với lòng yêu nước sâu sắc và sự mẫn cảm chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Người tìm cách để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, đồng thời từng bước chuẩn bị các điều kiện để thành lập một đảng cách mạng chân chính.

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn đã họp bàn và quyết định hợp nhất thành một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng được phát động rộng rãi khắp cả nước.

Tinh thần cách mạng quật khởi của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930 - 1931 đã cổ vũ làm dấy lên phong trào cách mạng, ý chí đi tìm tự do thoát khỏi ách gông xiềng nô lệ thực dân, phong kiến của người dân Lệ Thuỷ nói chung và Tân Thuỷ nói riêng được nâng cao, nhất là đối với những thanh niên có học thức, giàu lòng yêu nước.

Cũng như mọi miền quê trên quê hương Lệ Thuỷ, Tân Thủy là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong phong trào Cần Vương, vùng đất Mỹ Thổ - Trung Lực của Tân Thuỷ được nghĩa quân của Hoàng Phúc, Đề Chít, Đề Én tin tưởng lựa chọn làm điểm tập kết, giấu quân và được nhân dân che chở, đùm bọc. Khi phong trào Cần vương bị đàn áp, nhiều người dân Mỹ Thổ - Trung Lực đã bị bắt bớ, giam cầm và giết hại nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường và lòng căm thù giặc của người dân nơi đây ngày càng được nung nấu cao hơn.

Là mảnh đất tiếp giáp với Phủ Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị nên Lệ Thủy nói chung và Tân Thuỷ nói riêng đã được Xứ uỷ Trung Kỳ quyết định giao cho Tỉnh uỷ Quảng Trị xem xét để phát triển phong trào cách mạng. Được sự ủy nhiệm của Xứ uỷ Trung Kỳ, một cơ sở đảng ở Vĩnh Linh đã tìm cách phát triển ra vùng Lệ Thủy. Người được Đảng tin cậy và giao nhiệm vụ làm trung gian cho cán bộ Đảng bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước hăng hái làm cách mạng ở Mỹ Thổ - Trung Lực là ông Dương Công Phát - một thầy đồ ở Mỹ Thổ vào dạy học ở Thượng Lập - Vĩnh Linh. Khi đã có cơ sở quần chúng tham gia, Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ thị cho các đoàn cán bộ Đảng tìm cách xâm nhập và ở lại cơ sở tại vùng Mỹ Thổ - Trung Lực. Được trực tiếp móc nối, vận động cùng với sự tuyên truyền, giáo dục của cán bộ Đảng, anh Nguyễn Đông tự nguyện nhận đồng chí Đoàn Bá Thừa (tức Chi), Tỉnh ủy viên Tỉnh uỷ Quảng Trị về nuôi giấu trong nhà. Từ đây, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã trực tiếp giác ngộ và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng cho 3 thanh niên là Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản; đồng thời, tiến hành thành lập các cơ sở quần chúng khác nhằm bí mật tổ chức tuyên truyền Cương lĩnh của Đảng Cộng sản trong từng nhóm quần chúng tốt ở Mỹ Thổ - Trung Lực.

Đêm 17/11/1931, tại miếu Thần Hoàng, thay mặt tổ chức Đảng cấp trên, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên yêu nước Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Đoàn Bá Thừa thay mặt cấp ủy cấp trên quyết định thành lập Chi bộ Mỹ Trung - Chi bộ đầu tiên ở huyện Lệ Thủy và phía Nam của tỉnh Quảng Bình - đồng chí Lê Thuận Chất được cử giữ chức Bí thư Chi bộ.

Sự ra đời của Chi bộ Mỹ Trung đã tạo ra một bước ngoặt hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của người dân hai làng Mỹ Thổ Trung Lực cũng như phong trào cách mạng của cả huyện và cả tỉnh; mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng nhân dân có Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo.

Sau khi ra đời, Chi bộ Mỹ Trung đã lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc mít tinh có hàng trăm quần chúng tham gia để vạch trần tội ác của bọn thực dân, phong kiến, khơi sâu lòng căm thù giặc trong nhân dân. Lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh trực diện với bọn địa chủ, cường hào trong làng, đòi tăng tiền công làm thuê và đòi chúng không được ngược đãi người dân lao động. Đáng chú ý là cuộc đấu tranh rút một bộ phận quần chúng trung kiên trong các tổ trai bạn ra khỏi nhà địa chủ để lập hộ khai hoang ở vùng Khe Lâm, Trạng Côống nhằm xây dựng căn cứ địa lâu dài cho cách mạng. Qua hoạt động, đấu tranh thử thách, Chi bộ đã kết nạp thêm đảng viên mới. Đến tháng 6/1932, số lượng đảng viên của Chi bộ đã có 9 đồng chí. Song song với việc xây dựng lực lượng và lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng ở địa phương, Chi bộ Mỹ Trung đã mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng ra các vùng trong huyện. Nhiều đồng chí đảng viên của Chi bộ tích cực móc nối, giác ngộ, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ những người yêu nước ở các vùng lân cận, từ đó sự ảnh hưởng của Chi bộ ngày càng lớn và tạo tiền đề hết sức quan trọng cho việc ra đời của chi bộ Văn Xá, Châu Xá vào năm 1933, tiếp đến là một số các chi bộ khác như Thạch Bàn - Lộc An - Phú Thọ, An Xá, Quy Hậu - Mỹ Trạch - Liêm Thiện, Xuân Lai - Quảng Cư... Đến năm 1935, số lượng đảng viên của Chi bộ đã phát triển lên 12 đồng chí.

Trong quá trình hoạt động, Chi bộ đã thành lập đội Xích vệ đỏ để bảo vệ cơ sở cách mạng, tiếp chuyển tài liệu từ Vĩnh Linh ra Lệ Thủy và ngược lại; tuyên truyền, vận động nhân dân gia nhập vào các hội quần chúng của Đảng với hàng trăm người tham gia. Chi bộ cũng đã tổ chức hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ, trong đó đáng chú ý là lãnh đạo và vận động quần chúng trong vùng cùng với cả huyện chuẩn bị cho cuộc “biểu tình đón Gô-đa" để đòi dân sinh, dân chủ. Mặc dù cuộc biểu tình không diễn ra do Trung ương có lệnh hoãn nhưng đã cho thấy sự phát triển lớn mạnh của Chi bộ Mỹ Trung và phong trào cách mạng của nhân dân Lệ Thủy. Sau những cuộc biểu dương lực lượng, Chi bộ Mỹ Trung chủ trương mở cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất công ở Mỹ Thổ. Cuộc đấu tranh này đã huy động lực lượng tổng hợp bao gồm nhiều tổ chức cách mạng, nhiều nhân sĩ, trí thức trong huyện cùng phối hợp hành động. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi chia lại ruộng đất ở Mỹ Thổ đã làm nức lòng quần chúng trong huyện, đồng thời đã làm rung chuyển bộ máy cai trị của bọn thực dân, phong kiến, địa chủ từ làng, tổng đến huyện, tỉnh.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Cùng với việc vơ vét nhân tài, vật lực phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt bớ và giết hại các chiến sỹ cộng sản hòng dập tắt phong trào cách mạng, tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặc dầu vậy, Chi bộ Mỹ Trung vẫn là cơ sở vững chắc, được củng cố, phát triển, là đầu mối liên lạc của Xứ uỷ Trung Kỳ, của nhiều cán bộ cấp trên và là một trong những nơi in ấn và phân phát tài liệu của Đảng.

Tháng 8/1941, Xứ ủy Trung Kỳ phái đồng chí Bùi Trung Lập về Mỹ Thổ - Trung Lực phổ biến tình hình nhiệm vụ mới và tuyên truyền Nghị quyết 8 của Trung ương Đảng. Cơ sở Việt Minh ở Mỹ Thổ - Trung Lực được thành lập do đồng chí Lê Thuận Chất phụ trách. Chi bộ lúc này có 29 đồng chí, do đồng chí Lê Thuận Khuông làm Bí thư, các cơ sở mới được móc nối với Chi bộ Mỹ Trung như Quy Hậu, Tuy Lộc, Hòa Bắc ...

Tháng 11/1942, bọn tay sai, mật thám đã lần được đầu mối của ta ở Mỹ Thổ - Trung Lực. Chúng đã bắt được đồng chí Lê Gia Liêu, Bùi Trung Lập và 13 đồng chí khác. Một thời kỳ đấu tranh đẫm máu, đầy thử thách đối với cơ sở của Đảng và quần chúng nhân dân Mỹ Thổ - Trung Lực đã diễn ra. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, lùng sục gắt gao nhưng các đảng viên cộng sản trung kiên của Mỹ Thổ - Trung Lực vẫn giữ vững phong trào đấu tranh và khí tiết của người cộng sản, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các đồng chí cán bộ liên tỉnh được bảo vệ an toàn và đường dây liên lạc cũng như hoạt động của tổ chức Đảng vẫn được duy trì cho đến ngày Tổng khởi nghĩa.

Đến năm 1943, cơ sở đảng ở Mỹ Thổ - Trung Lực trải qua hơn 12 năm rèn luyện thử thách lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng đã có thêm kinh nghiệm. Tấm gương anh dũng của những đảng viên trung kiên đã củng cố thêm tinh thần và lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, với cách mạng như vợ chồng đồng chí Đinh Tử Khắc - Lê Thị Tương, mặc dù bị địch bắt, bị tra tấn dã man nhưng vẫn không khai báo, không tiết lộ bí mật của Đảng.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tin này truyền nhanh đến Mỹ Thổ - Trung Lực. Ngày 13/3/1945, một số đảng viên trong tù được trả về địa phương. Ngày 27/3/1945, đồng chí Võ Hồng Tâm (tức Võ Hầu), đồng chí Nguyễn Văn Đồng (tức Đồng Sĩ Nguyên) đã nối lại liên lạc với Mỹ Thổ - Trung Lực. Cuối tháng 6/1945, Ban thống nhất Trung Kỳ cử đồng chí Hồng Xích Tâm vào truyền đạt Chỉ thị của Trung ương và Lời kêu gọi của Ban thống nhất Trung Kỳ cho các cơ sở ở Quảng Bình và liên lạc với đồng chí Võ Hồng Thanh, Trần Hữu Dực ở Mỹ Thổ - Trung Lực. Cả ba đồng chí bắt liên lạc với các cơ sở Đảng trong tỉnh, chuẩn bị thành lập cơ quan lãnh đạo chung của tỉnh.

Đầu tháng 7/1945, Hội nghị các tổ chức cơ sở Đảng toàn tỉnh được triệu tập tại chùa An Xá - Lộc Thủy. Đồng chí Lê Thuận Khuông, Bí thư chi bộ Mỹ Trung là một trong 13 đại biểu tham dự Hội nghị. Vài ngày sau, Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh được triệu tập tại An Sinh - Văn Thủy, thành lập Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh và quyết định đóng trụ sở của Tỉnh bộ tại Mỹ Thổ. Như vậy, Mỹ Thổ - Trung Lực là mảnh đất có vinh dự là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên phía Nam của tỉnh và cũng là nơi đầu tiên Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Bình đóng quân. Theo chỉ thị của trên và được Tỉnh bộ Việt Minh phân công, Chi bộ Mỹ Trung có trách nhiệm xây dựng cơ sở quần chúng ở 18 vùng lân cận. Sau khi Tỉnh bộ Việt Minh thành lập, cơ quan Mặt trận Việt Minh huyện cũng đã được thành lập và đồng chí Lê Thuận Khuông là một thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Trung tuần tháng 8/1945, cơ quan Tỉnh bộ Việt Minh chuyển từ Mỹ Thổ về Võ Xá - Quảng Ninh để kịp thời chỉ đạo phong trào trong toàn tỉnh. Đêm 22 rạng ngày 23/8, quần chúng nhân dân ở Mỹ Thổ - Trung Lực và 18 làng phụ cận chia thành bốn mũi kéo về huyện đường Lệ Thủy cùng với các mũi tiến công khác trong huyện đấu tranh giành chính quyền để cùng với cả tỉnh, cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Từ chi bộ đảng đầu tiên ở Mỹ Thổ - Trung Lực với 3 đảng viên như đốm lửa le lói trong đêm đông đã gặp muôn vàn thử thách, khó khăn gian khổ. Các chiến sỹ cộng sản, những quần chúng ưu tú đã bị địch bắt bớ, giam cầm, tù đày và giết hại, phong trào cách mạng tưởng chừng như bị dập tắt, nhưng với tấm lòng kiên trung son sắt với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, các chiến sỹ cộng sản đã thổi bùng lên ngọn lửa của phong trào cách mạng rộng khắp trên địa bàn huyện, làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ huyện Lệ Thủy vào ngày 20/10/1945.

Phát huy truyền thống cách mạng của Mỹ Thổ - Trung Lực, trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ Lệ Thủy đã lãnh đạo nhân dân đem hết tinh thần và lực lượng chiến đấu chống quân ngoại xâm để làm nên một Hưng Đạo kiên cường ròng rã chín năm trời rào làng chiến đấu trong bốn bề đồn bốt địch, một Sào Nam tay không bắt giặc giữa ban ngày tại Chợ Chè và hàng ngàn ngày đêm chiến đấu chống càn oai hùng ở chiến khu Bang Rợn, ở Trung Lực - Cầu Đúc, ở Mỹ Lộc - Xuân Lai, một chiến thắng Xuân Bồ “năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây”... Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và tự hào về Chi bộ Mỹ Trung và các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc vẻ vang 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Lệ Thủy đã lãnh đạo nhân dân bám làng chiến đấu, bám hố bom sản xuất, bám đồng ruộng thâm canh, một tấc không đi, một ly không rời. Giặc Mỹ đã điên cuồng dội xuống trên mảnh đất Lệ Thuỷ bình quân 250 quả bom đạn trên 1km2, một người dân phải chịu đựng hơn 700kg bom đạn. Tuy chiến tranh khốc liệt, nhưng Đảng bộ và nhân dân Lệ Thủy đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, lớp lớp những người con của quê hương đã lên đường chiến đấu để cùng với cả tỉnh, cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược. Ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc của quân và dân Lệ Thủy, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho huyện nhà.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân toàn huyện xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã thu được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng bộ không ngừng lớn mạnh. Từ Chi bộ Mỹ Trung thành lập năm 1931 với 3 đảng viên, năm 1945 Đảng bộ Lệ Thuỷ ra đời với 7 chi bộ và gần 100 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 58 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với trên 11.700 đảng viên.

Phát huy truyền thống tự hào của quê hương có chi bộ Đảng ra đời đầu tiên ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, trong 90 năm qua, Đảng bộ Lệ Thuỷ đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết đồng lòng vượt qua những khó khăn, thử thách, tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; công tác an sinh xã hội được chú trọng thực hiện. Bộ mặt đô thị nông thôn ngày càng được khởi sắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố.

Vừa qua, di tích lịch sử Miếu Thần Hoàng đã được trùng tu tôn tạo, trở thành nơi thăm viếng giúp du khách tìm hiểu về chi bộ Mỹ Trung và là điểm di tích giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến đổi phức tạp và khó lường; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới đan xen, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đủ sức lãnh đạo cách mạng nước ta phát triển không ngừng. Đó không chỉ là yêu cầu tự thân của Đảng, mà còn là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXIV đã xác định phương hướng, mục tiêu trong 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đổi mới, sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng huyện Lệ Thủy cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới”. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn huyện ra sức thi đua nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội đã đề ra.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng và sự quan tâm của tỉnh, của huyện. Nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2021 Đảng bộ và nhân dân xã nhà Tân Thủy đã đoàn kết vượt qua khó khăn do thiên tai dịch bệnh quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu mà đại hội lần thứ XXVII đã đề ra. Kinh tế văn hóa xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả; Công tác quốc phòng, an ninh thực thi pháp luật được quan tâm lãnh chỉ đạo, phát huy cao độ tính tự giác, tự chủ của nhân dân; Bộ mặt thôn xóm ngày càng khởi sắc; Hệ thống chính trị được cũng cố hoàn thiện và đạt nhiều thành tích cao; Đời sống nhân dân được nâng lên mọi mặt, dân chủ được phát huy, kỷ cương được duy trì. Những kết quả trên thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của mặt trận đoàn thể thu được sự đồng thuận trong nhân dân đã làm nên một xã Tân Thủy chuyển mình với diệm mạo mới.

Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng sự kiện ngày 17/11/1931- Chi bộ Mỹ Trung được thành lập tại quê hương Tân Thủy anh hùng - mãi mãi còn đọng lại trong mỗi chúng ta; là mốc son trong lịch sử của Đảng bộ huyện Lệ Thủy cũng như của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình. Đây không những là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tân Thủy, của Đảng bộ và nhân dân Lệ Thủy mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình.

Phát huy truyền thống cách mạng Mỹ Thổ - Trung Lực, truyền thống của quê hương Lệ Thuỷ anh hùng, mỗi một cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng và mỗi người dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Lệ Thủy nói chung và Tân Thủy anh hùng nói riêng, giữ vững đoàn kết, đồng lòng, đồng sức, nỗ lực phấn đấu vươn lên với ý chí, quyết tâm cao hơn, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nhân lên những thành tích, kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra; xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh vững bước đi lên trong thời kỳ mới. Góp phần làm cho Đảng ta mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng.

Nguồn tin: Từ BCH Đảng Bộ Tân Thủy

 

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Mai Thị Hương Thơm
Mai Thị Hương Thơm
Hiệu trưởng
ĐT: 0825135567
Nguyễn Văn Hiệu
Nguyễn Văn Hiệu
Phó hiệu trưởng
ĐT: 0918848423
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS TÂN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3959069 - Email: thcstanthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com