THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 35
Số lượt truy cập: 5455892
QUẢNG CÁO
Cho em được nói lời tri ân - Phạm Hoãn 9/27/2012 7:50:59 AM

Cho em được nói lời tri ân

Tôi ngập ngừng một lúc trước cánh cửa đóng im ỉm rồi mới dám giơ tay gõ nhẹ. Có tiếng phụ nữ: "vào đi", cùng lúc cánh cửa bật ra. Tôi giật mình choáng ngợp. Trước mắt tôi, sáu "Chân dài" xinh đẹp với sáu kiểu váy, áo khác nhau như đang chuẩn bị trình diễn thời trang, "cánh mày râu" duy nhất như tôi bỗng trở thành phái yếu....Trưởng phòng giới thiệu tên và công việc từng người tôi biết, đây là buổi gặp mặt đón tôi. Trưởng phòng lại nói: "Phòng là xương sống của cơ quan nhưng chỉ có sáu ngươì, lại toàn nữ. Cháu làm quen dần với công việc rồi sẽ biết. Các cô, các chị gánh vác mọi việc xuôi chèo, mát mái cả đấy. Còn nữa, giới thiệu để cháu làm quen: Đây là Phó Trưởng Phòng - người trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt cháu từ nay". Tôi hướng mắt về người hướng dẫn rồi rụt rè: "Vâng ạ"!

Là cơ quan quản lý nên phòng phải tham mưu nhiều loại văn bản, đề án, dự án, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Thậm chí hàng loạt các loại tham luận, báo cáo thuộc nhiều lĩnh vực. Tôi bắt đầu công việc và cũng quen dần với Phó Trưởng Phòng. Mỗi lần có văn bản cần tham mưu, thay vì chỉ cần ghi tên vào góc văn bản giao nhiệm vụ, cô đọc kỹ nội dung rồi gọi tôi hướng dẫn cặn kẽ, sau đó mới giao việc. Nhờ cách hướng dẫn tận tình của cô, tôi làm quen nhanh với công việc. Những chuyến công tác tới các vùng khó khăn, cộng với áp lực công việc làm tôi nhiều lúc không kịp trở tay. Nhưng cô làm việc gì cũng thấy nhẹ nhàng hoàn tất, chỉn chu.Tôi nghe một đồng nghiệp kể: "Có lần sắp hết giờ làm việc buổi chiều, trong khi một báo cáo phải làm gấp nộp sáng hôm sau và việc đó, chỉ có cô mới tham mưu kịp. Sáng hôm sau, cô lại phải đi công tác. Trưởng phòng sốt ruột hỏi thì cô nói, sẽ có báo cáo nộp đúng hẹn. Sau đó, cô gọi mình sang phòng bảo giúp cô một chút, cô bận quá. Tưởng cô sẽ đưa bản nháp nên mình ngồi xuống bàn vi tính mở máy chờ, lại thấy cô kéo ghế ngồi bên cửa sổ tầng 5 nhìn xuống đường mơ màng, trong tay cô và trên bàn vi tính chẳng thấy giấy tờ gì làm mình lúng túng, thấy vậy cô nói: Không có bản nháp đâu, chuẩn bị đi - cô đọc nhé? và cô đọc cứ như đang cầm trên tay bản báo cáo. Lúc năm trang A4 đã kín thì báo cáo cũng vừa xong, mình bấm máy in và đứng dậy xem đồng hồ, mới hơn 5 giờ. Mình ôm lấy cô rồi nói, cái đầu cô là cả một kho tài liệu, cô vừa mở ngăn nào ra đọc cho cháu vậy? Cậu biết không, cái báo cáo cô đọc cho mình đánh máy lần ấy trình lên, không phải sửa lấy một từ. Còn nữa, đã thành lệ - vào phòng thấy cô ngồi bên vi tính thì nên quay ra, hoặc nếu muốn xem cô làm việc phải rất nhẹ nhàng, im lặng đứng đằngsau bởi cô đánh máy không bao giờ có bản nháp. Nhiều lúc thấy cô làm việc quên cả giờ giấc, bọn tớ nói đánh máy đỡ cho, nhưng cô bảo không có bản nháp, nếu đánh máy hộ, cô lại phải ngồi bên cạnh đọc sẽ mất hai công một lúc? vậy để cô vừa nghĩ vừa làm có phải hơn không". Cô là vậy đó.

Hàng năm, cơ quan tôi có khoảng gần 20 sinh viên các trường đại học, cao đẳng về thực tập, tất cả đều về phòng nghiệp vụ và tất cả đều giao cho cô hướng dẫn với lý do - Cô có nhiều kinh nghiệm thực tế, còn là giảng viên thỉnh giảng trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật. Lại có sinh viên về thực tập bên phòng Di Sản, nhưng suốt ngày theo cô đến phòng Nghiệp vụ Văn hoá. Khi cô đi công tác miền núi cũng xin theo và bài tốt nghiệp cũng là cô cho tài liệu. Lần khác, tôi thấy gần chục thanh niên nam, nữ đến xin gặp cô. Khi biết họ là phóng viên trẻ tập sự ở các báo trong tỉnh gặp cô xin tài liệu viết bài. Cô từ tốn trả lời rằng có cả kho tài liệu và phải hơn 20 năm lăn lộn với thực tế cô mới có được kho tài liệu đó. Nhưng rất tiếc, đang nằm trong đầu không thể cho các bạn được vì cô rất bận, nếu có thời gian, cô đã biên soạn thành các bài để gửi cho báo rồi. Các bạn còn trẻ phải đi thực tế nhiều mới viết hay được, sao lại đi xin.... Lần khác, một đồng nghiệp có nhiệm vụ tham mưu báo cáo đã nói với cô không thể làm được báo cáo năm năm, vì mới chuyên trách lĩnh vực này hai năm. Cô ghé tai người đó nói nhỏ: "Cô vừa làm xong báo cáo tổng kết mười năm lễ hội, trong khi chỉ chuyên trách hai năm. Đừng để người khác nghe câu vừa nói, hãy đọc kỹ công văn rồi làm, không biết thì tìm hiểu sẽ làm được - đó là nhiệm vụ". Nhưng rồi, cô lại hướng dẫn cho làm báo cáo.

Lần đi làm lễ hội ở biên giới, cô viết rồi đưa tôi xem trước ba chương sân khấu hoá với thời lượng 45 phút chỉ chuyên về múa diễn tả lại những thần tích và truyền thuyết về vùng biên giới nơi có lễ hội rồi dặn: "Đọc đi, để lúc cô thực hành thì theo dõi và so sánh xem có đúng với lý thuyết không - văn hoá nghệ thuật là vậy đó". Tôi cứ ngẩn ngơ khi xem cô biên đạo múa cho 50 diễn viên quần chúng, rồi đến ngày ghép nhạc và lời bình. Lúc xem dàn múa với đầy đủ phục trang, âm nhạc, ánh sáng và lời bình nổi lên, tôi trào nước mắt vì xúc động và thấm thía lời cô chỉ bảo.

Biết tôi học ngữ văn, cô động viên: "Hãy tập viết tin sau mỗi chuyến đi, bước đầu viết ngắn, sau viết dài, sau nữa viết ký, tự nó sẽ lớn dần lên thôi....". Tôi được đồng nghiệp cho biết thêm. Trước đây, cô làm chuyên môn ở đơn vị sự nghiệp, lại đi nhiều,viết nhiều. Bây giờmặcdù làm quản lý, nhưngmỗi lần đụng đến lĩnh vực chuyên môn, thay vì thuê khoán từ viết kịch bản đến đạo diễn, biên đạo, cô đảm đương tất. Cô nói làm như vậy phần đỡ nhớ nghề, phần giúp cho miền núi các dân tộc thiểu số vì họ còn nghèo và cũng vì có kinh nghiệm thực tế nên bên Cao đẳng mơì cô làm giảng viên thỉnh giảng. Tôi thấy mình là người may mắn nhất khi được cô dìu dắt.

Lần trình ký bản thành tích đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho cô, tôi "đọc trộm"và giật mình. Chỉ trong vòng 5 năm, cô đã có tới gần 20 bằng khen, giấy khen về thành tích công tác và giải thưởng về báo chí, truyện ngắn do bộ, ngành, tỉnh tặng lại càng cảm phục cô hơn.

Một chủ nhật, tôi đến nhà chơi - Cô có giờ giảng ở trường nên không gặp. Tiếp tôi là một cô gái nhỏ nhắn, trắng trẻo, xinh như mộng. Cô bé cho tôi biết, em là con nuôi, nhưng mẹ coi như con đẻ. Chị em đã tốt nghiệp Đại học, đi làm và lấy chồng ở Hà Nội. Em chỉ nói bí mật này cho anh biết thôi, vì anh cùng phòng với mẹ. Quan sát nhà cô, cảm thấy thiếu vắng bàn tay đàn ông, tôi hỏi: "Bố em đâu?". Cô bé xịu mặt xuống: "Thế anh cùng phòng mà không biết bố mẹ em chia tay khi mẹ mới 27 tuổi và ở một mình nuôi chị ăn học à? Anh thấy đấy, nhà em rất nghèo, nhưng mẹ em là tấm gương cho hai chị em tự tin mà vươn lên trong cuộc sống". Tôi nối lời cô bé mà như nói với chính mình: Cô ơi! với con cô cũng là gương sáng. Cho con xin được nói lời tri ân./

                                                                             Tân Thủy, tháng 9 năm 2012

                                                                                       Phạm Thị Hoãn

Phạm Thị Hoãn
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Mai Thị Hương Thơm
Mai Thị Hương Thơm
Hiệu trưởng
ĐT: 0825135567
Nguyễn Văn Hiệu
Nguyễn Văn Hiệu
Phó hiệu trưởng
ĐT: 0918848423
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS TÂN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3959069 - Email: thcstanthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com